Kinh nghiệm dịch thuật

Lược dịch tính từ sở hữu trong tiếng Anh

Pinterest LinkedIn Tumblr

So với tiếng Việt, tiếng Anh dùng nhiều tính từ sở hữu (Possessive Adjectives) hơn. Chẳng hạn như, trong tiếng Việt, chúng ta nói: “Anh ta đội mũ bảo hiểm, rồi phóng xe đi”. Nhưng trong tiếng Anh, chúng ta lại nói: “He put on his helmet, and rushed his motorbike away”. 

Đây là vấn đề thuộc về đặc trưng ngôn ngữ mà khi dịch từ ngôn ngữ nguồn là tiếng Anh tới ngôn ngữ đích là tiếng Việt, người dịch cần lưu ý để lược bỏ bớt những tính từ sở hữu không cần thiết, bởi trong tiếng Việt người ta thường không nói hay viết như vậy.

Ở khá nhiều bản dịch mình đọc được, người dịch quen giữ nguyên tính từ sở hữu trong tiếng Anh như sau:

Ví dụ 1:

  • Bản gốc: The children are driving their parents’ behavior, or that the similarities between parents and children are simply due to their shared genetic make‑up.
  • Bản dịch: Con cái cũng có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của cha mẹ của chúng, hoặc sự tương đồng trong hành vi của cả hai phía đơn giản là do cha mẹ và con cái đang chia sẻ chung một bộ gene.

Ở câu gốc, cụm “their parents’ behavior” vừa có tính từ sở hữu “their”, vừa có sở hữu cách, dẫn tới việc dịch ra thành 2 chữ “của” liên tục. Khi đọc trong mạch tiếng Việt, người đọc sẽ có cảm giác bị lặp từ và nhịu chữ rất khó chịu, khiến mạch văn không suông. Chữ “của” thứ hai có thể lược bỏ đi mà không làm ảnh hưởng tới nội dung câu: “Con cái cũng có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của cha mẹ chúng…”

Ví dụ 2:

  • Bản gốc: Gentle redirection didn’t work well with my son, just as firm, directive parenting would have been harder on her more sensitive child.
  • Bản dịch: Phong cách nhẹ nhàng, mềm mỏng không có tác dụng tốt với con của tôi, cũng như việc nuôi dạy con theo một cách kiên định sẽ không phù hợp với với đứa trẻ nhạy cảm như con của cô bạn tôi.

Ở câu gốc, tiếng Anh phải dùng tính từ sở hữu để phân biệt rõ ràng “my son” với “her child”, nhưng trong tiếng Việt, chúng ta có thể lược bỏ hoàn toàn cả hai từ này mà câu vẫn rõ nghĩa: “Phong cách nhẹ nhàng, mềm mỏng không có tác dụng tốt với con tôi, cũng như việc nuôi dạy con theo một cách kiên định sẽ không phù hợp với với đứa trẻ nhạy cảm như con cô bạn tôi“.

Ví dụ 3: 

  • Bản gốc: Laura‘s parents found her toy doll in her room.
  • Bản dịch: Cha mẹ của Laura tìm thấy con búp bê đồ chơi của con gái trong phòng của cô bé.

Trong một câu hết sức ngắn gọn và đơn giản nhưng lại xuất hiện tới 3 chữ “của” liên tiếp. Chúng ta có thể lược bỏ thành: “Cha mẹ của Laura tìm thấy con búp bê đồ chơi trong phòng cô bé“. Trong văn cảnh này, rõ ràng là con búp bê đó không thể nào là đồ chơi của cha mẹ Laura nên không thiết phải làm rõ con búp bê đồ chơi là của ai, cũng như cụm “phòng cô bé” là đủ hiểu chứ không cần “phòng của cô bé”.

Trong văn nói lẫn văn viết tiếng Việt, chúng ta vẫn quen dùng:

  • “Thằng bạn tao giỏi lắm nha!” (thay vì “Thằng bạn của tao giỏi lắm nha!”)
  • “Chồng tôi suốt ngày đàn đúm với bạn nhậu” (thay vì “Chồng của tôi suốt ngày đàn đúm với bạn nhậu”)
  • “Nhà tôi nằm trên đường Trần Hưng Đạo” (thay vì “Nhà của tôi nằm trên đường Trần Hưng Đạo)
  • “Ê chiều nay rảnh không? Ghé phòng tao chơi” (thay vì “Ê chiều nay rảnh không? Ghé phòng của tao chơi”)

Viết thêm chữ “của” thì rõ hơn nhưng thừa, không cần thiết, chỉ làm cho câu thêm rườm rà. Đặc biệt là khi trong tiếng Anh thường sử dụng kết hợp nhiều tính từ sở hữu lẫn sở hữu cách mà dịch sát theo nguyên văn thì khiến một câu đơn giản đọc lên chỉ toàn thấy “của” là “của”.

(Số lượt đọc: 74 lần, 1 lượt đọc hôm nay)

"If you want to shine tomorrow, you must sparkle today."

Bình luận