Kinh nghiệm dịch thuật

Lưu ý cách dịch cụm từ bắt đầu bằng từ để hỏi

Pinterest LinkedIn Tumblr

Trong một số bài báo hoặc sách tiếng Anh, người dịch đôi khi sẽ bắt gặp các tựa bài, tựa chương hay tựa mục là một cụm như thế này:

What makes a home
What makes me happy
How to train your employees

Thông thường, người dịch sẽ dịch ra như sau:

Điều gì tạo nên một mái ấm
Điều gì khiến tôi hạnh phúc
Làm cách nào để đào tạo nhân viên của bạn

Các cụm trên là một cụm danh từ (noun phrase) bắt đầu bằng một từ nghi vấn (an Interrogative word) như What, Where, When, Who, Whom, How.

Về mặt ngữ pháp, cụm danh từ này không phải là một câu để hỏi và vốn cũng không phải là một câu hoàn chỉnh (sentence). Nếu dịch đúng tính chất thể khẳng định thì phải là:

Điều tạo nên một mái ấm
Điều khiến tôi hạnh phúc
Cách để đào tạo nhân viên của bạn

Tuy nhiên, cách dịch theo thể khẳng định sẽ không hay và mạnh bằng thể nghi vấn (Điều gì tạo nên một mái ấm?). Và khi đã chọn cách dùng theo thể nghi vấn thì chúng ta cần lưu ý dấu chấm hỏi cuối câu để đúng chuẩn ngữ pháp tiếng Việt:

Điều gì tạo nên một mái ấm?
Điều gì khiến tôi hạnh phúc?
Làm cách nào để đào tạo nhân viên của bạn?

Đây là một lỗi rất thường gặp khi chuyển dịch các cụm danh từ bắt đầu bằng từ để hỏi, người dịch thường bám sát tính chất cụm gốc – không có dấu chấm hỏi cuối câu – mà quên mất tính chất của câu nghi vấn thì luôn cần phải có dấu chấm hỏi.

Một ví dụ thú vị khác từ một cuốn sách đã xuất bản của Nhã Nam:

Tựa gốc cuốn này là “How We Learn” – một cụm danh từ, khi chuyển dịch thành “Chúng ta học thế nào” thì lại rớt mất dấu chấm hỏi ở cuối câu. Đây có thể xem là một điểm chưa chuẩn mực về mặt ngữ pháp tiếng Việt. Làm sao bạn biết đó là câu hỏi nếu không có dấu chấm hỏi ở cuối câu?

Như câu trên mình vừa viết, nếu mất đi dấu chấm hỏi ở cuối, câu sẽ chuyển thành thể khẳng định. Tương tự, khi lược bỏ dấu chấm than thì một câu cảm thán sẽ không còn là câu cảm thán mà chỉ là câu khẳng định có sắc thái cảm thán. Ví dụ: Giàng ơi. Hỡi ôi, ngó xuống mà coi này.

Dấu câu tuy nhỏ nhặt, nhưng đóng vai trò làm rõ chức năng của câu và để lại dư ba trong lòng người đọc. Để cảm được sâu sắc điều này, mời bạn so sánh hai ví dụ sau:

  1. Sau nhiều năm sống trong đau khổ, anh ta tự cật vấn bản thân: Tôi đã gây ra tội tình gì mà phải chịu đau khổ thế này.
  2. Sau nhiều năm sống trong đau khổ, anh ta tự cật vấn bản thân: Tôi đã gây ra tội tình gì mà phải chịu đau khổ thế này?

Có và không có dấu chấm hỏi, sắc thái và độ nặng nhẹ của câu hoàn toàn khác biệt. Tự cật vấn tức tự hỏi bản thân, mà lại không có dấu chấm hỏi thì có phần hơi trớt quớt. Những điểm thuộc về sự tinh tế thế này, người dịch lẫn người viết nên để ý để rèn phần tinh cho câu chữ của mình.

Chơn Linh

(Số lượt đọc: 103 lần, 1 lượt đọc hôm nay)

"If you want to shine tomorrow, you must sparkle today."

Bình luận