Khi nói đến should và would, nhiều bạn sẽ nghĩ ngay rằng đó là trợ động từ để dùng trong điều kiện cách (Conditional). Nghĩ như vậy là lầm vì should và would là hai trợ động từ tuy có đôi khi dùng cho điều kiện cách nhưng cũng được dùng trong nhiều trường hợp khác không có gì gọi là điều kiện cả. Vì vậy chúng ta nhiều khi thấy lúng túng không biết dùng should và would thế nào cho đúng, và kể ra thì đây cũng là một trong những cái khó khăn mà chúng ta gặp phải khi học tiếng Anh.
Sau đây tôi xin trình bày với các bạn về các trường hợp dùng should và would.
Quá khứ của shall và will
Trước hết như các bạn đã học ở trường, should và would là thì quá khứ của shall và will và được dùng trong trường hợp lời nói lặp lại (reported speech). Vấn đề này không có gì khó nhưng cũng cần phải nhắc qua cho khỏi có sự thiếu sót. Thí dụ:
- He says he will come tomorrow.
He said he would come the next day. - I think I shall like this book.
I thought I should like that book.
Should và would còn được dùng với hình thức Continuous của động từ theo sau, tức là với To be + Verb-ing: Khi động từ này chỉ một hành động liên tục trong một khoảng thời gian nào đó. Thí dụ:
- He said he would be waiting for you at the station.
- I told her to come in the afternoon as I should be doing my work in the morning.
- When he left for his holiday he said he would be sitting on the beach the next day instead of at his desk in the office.
Tuy nhiên, hình thức này cũng có thể được dùng để chỉ thời gian tương lai mặc dù động từ trong câu không miêu tả một hành động liên tục nào cả. Thí dụ: “He said he would be leaving tomorrow” và “He said he would leave tomorrow” cũng đều có nghĩa như nhau.
Các bạn thấy rằng trong những câu thí dụ trên đây, should và would chẳng có gì là “conditional” cả. Đó chỉ là quá khứ của shall và will mà chúng ta dùng trong lời nói lặp lại.
Should và would dùng trong điều kiện cách
Bây giờ nói tới should và would dùng trong điều kiện cách, nghĩa là trong một câu có “nếu thế này thì thế nọ”. Tôi phải nói ngay rằng nếu should và would không phải nhất thiết lúc nào cũng “conditional” thì hai chữ này cũng phải là hai chữ độc nhất để chúng ta phát biểu một ý kiến “conditional” vậy. Nói một cách khác ngoài should và would ra trong Anh ngữ còn có nhiều cách khác để chúng ta dùng khi muốn nói một câu “nếu thế này thì thế nọ”.
Sau đây là một vài cách khác nhau để phát biểu một trường hợp điều kiện, trong đó có cả cách dùng should và would. Tôi thí dụ bạn có một người bạn ở tỉnh có thể lên thăm Saigon, và bạn nghĩ rằng nếu anh ta lên Saigon thì anh ta có thể đi thăm Sở Thú. Cái ý kiến này có thể được phát biểu bằng nhiều cách khác nhau:
- If he comes to Saigon, he will visit the Zoo.
- If he came to Saigon, he would visit the Zoo.
- If he were to come to Saigon, he would visit the Zoo.
- Were he to come to Saigon, he would visit the Zoo.
- If he should come to Saigon, he would visit the Zoo.
- Should he come to Saigon, he would visit Zoo.
Tất cả 5 câu thí dụ trên đây nếu dịch ra tiếng Việt thì đều giống nhau cả: “Nếu hắn đến Saigon, thì hắn sẽ đi thăm Sở Thú.” Nhưng tiếng Anh lại có tới 6 câu khác nhau.
Nếu tôi biết là người bạn của tôi rất có thể sắp lên Saigon, khi đó tôi sẽ dùng câu số 1. Nếu việc đến Saigon của anh ta khó lòng xảy ra, khi đó tôi sẽ dùng một trong những câu từ số 2 đến số 6. (Tôi sẽ nói thêm về cách đặt các câu điều kiện ở bài sau; bài này chỉ chú trọng về should và would.)
Trong câu thí dụ “If he came to Saigon, he would visit the Zoo”, các bạn nhận thấy rằng động từ trong mệnh đề điều kiện (conditional clause) được dùng ở thì quá khứ mặc dầu cái “nếu” trong mệnh đề ấy nói đến một việc chưa xảy ra nghĩa là còn trong thời tương lai. Trường hợp dùng thì quá khứ cho động từ trong một mệnh đề điều kiện như vậy có nghĩa là cái điều kiện ấy tuy có thể xảy ra nhưng khó lòng sẽ xảy ra.
Một thí dụ khác: Tôi định chiều nay đi xem chớp bóng, nhưng nếu trời mưa thì tôi sẽ ở nhà. Câu này nếu nói tiếng Việt thì ta chỉ có thể nói một cách là “Nếu trời mưa thì tôi sẽ ở nhà.” Nhưng trong Anh ngữ chúng ta có nhiều cách để nói câu ấy, tùy theo cái trình độ “nếu” của chúng ta. Nếu như lúc này tôi nói trời đang chuyển mưa, nghĩa là việc trời mưa rất có thể xảy ra thì khi đó tôi nói:
If it rain I shall stay home.
Nhưng nếu lúc tôi nói mà trời còn đang nắng, không có cái gì báo hiệu một trận mưa sắp tới, nghĩa là việc trời mưa khó lòng sẽ xảy ra thì khi đó phải nói:
If it rained I should stay home.
Trong câu dưới, động từ “rained” ở vào thì quá khứ mặc dầu nó chỉ một việc còn nằm trong thời tương lai.
Ngoài ra, động từ trong mệnh đề điều kiện cũng được dùng ở thì quá khứ để chỉ một việc giả định, một việc không có thật mà tôi giả tỷ là có. Thí dụ:
If I thought that, I should say so.
Câu này có nghĩa là nếu tôi nghĩ như thế thì tôi sẽ nói như thế nhưng sự thật thì tôi không nghĩ như thế. Câu này có nghĩa là “That is not what I think” (Đó không phải là điều tôi nghĩ). Trong trường hợp này động từ “thought” ở vào thì quá khứ nhưng lại chỉ một việc thuộc về thời hiện tại vậy.
Các bạn cũng nhận thấy rằng nếu trong mệnh đề điều kiện tôi dùng động từ ở thì quá khứ thì trong mệnh đề tiếp sau tôi dùng “should” hoặc “would” thay cho “shall” hoặc “will”. “Should” và “would” ở đây cũng giống như trong trường hợp reported speech tức là quá khứ của “shall” và “will”.
Trở lại với câu thí dụ anh bạn định đến thăm Sài gòn, nếu tôi nói câu này để kể lại một việc thuộc thời quá khứ, nghĩa là “năm ấy, tháng ấy” anh ta đến Saigon thì anh ta đã đi thăm Sở Thú thì câu Anh ngữ phải là:
If he came to Saigon, he would have visited the Zoo.
Câu này có nghĩa là tôi không biết (hồi năm ngoái chẳng hạn) anh bạn tôi có đến Saigon hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh ta có đến thì anh ta đã đi thăm sở thú rồi.
Các bạn nhận thấy rằng, thay vì nói “If he came to Saigon”, chúng ta có thể nói “If he were to come to Saigon”. Were đây là một hình thức còn sót lại của bằng thái cách (subjunctive mood) của động từ “to be” mà hiện trong Anh ngữ rất ít khi dùng đến, nhưng vẫn còn dùng trong những mệnh đề điều kiện.
“If he were to come” cũng có thể đổi ngược là, “were he to come”. Trong trường hợp bỏ chữ “if” trong mệnh đề điều kiện chúng ta phải đảo ngược vị trí của chủ từ và động từ. Điều này không những áp dụng cho “were to” mà còn áp dụng cho “to have”. Thí dụ: “Had I the time I should write a longer letter.” (Nếu tôi có thì giờ tôi sẽ viết một bức thư dài hơn).
Bạn cũng đã nhận thấy sự đảo ngược này trong hai câu thí dụ có dùng “should” ở mệnh đề điều kiện:
- If he should come Saigon, he would visit the Zoo.
- Should he come to Saigon, he would visit the Zoo.
“Should” ở đây mới chính là “Conditional” và nó được dùng cho cả ngôi thứ nhất, thứ nhì và thứ ba, chứ không thay đổi.
Trong hai câu trên đây, cũng như trong cả mấy câu thí dụ mà tôi đã đề ra, tôi đã dùng “would” ở mệnh đề thứ hai. Nay nếu tôi không dùng “would” mà dùng “will” thì sao? Thí dụ tôi nói:
- If he should come to Saigon, he will visit the Zoo.
- Should he come to Saigon, he will visit the Zoo.
Cái khác nhau là ở chỗ nếu tôi dùng “will” thì có nghĩa là tôi hoàn toàn tin chắc rằng anh ta sẽ đi thăm Sở thú nếu anh ta tới Saigon.
Điều này càng rõ rệt nếu chủ từ trong câu là ngôi thứ nhất phát biểu cái ý muốn của mình định làm một việc gì. Thí dụ anh nhờ tôi bỏ giùm một cái thư và tôi nói rằng “nếu tôi đi phố thì tôi sẽ bỏ thư cho anh.” Trường hợp này, phải dùng “will” trong mệnh đề thứ hai.
If I should go out, I will post the letter for you.
Dùng “will” vì việc bỏ thư đó tôi chắc chắn là tôi sẽ làm, nếu tôi đi phố.
Bây giờ chúng ta hãy so sánh 3 câu sau đây:
- If he come to Saigon, he would visit the Zoo.
- If he came to Saigon, he would have visited the Zoo.
- If he had come to Saigon, he would have visited the Zoo.
Câu thứ nhất nói về một việc chưa xảy ra, nghĩa là thuộc thời tương lai. Khi tôi nói câu này thì anh bạn của tôi còn ở lục tỉnh, chưa lên Saigon và tôi cũng không biết chắc là anh ta có định lên Saigon hay không nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh ta lên Saigon thì anh ta sẽ đi thăm Sở Thú.
Câu thứ 2 nói về một việc thuộc thời quá khứ, nghĩa là ngày ấy, tháng ấy, năm ấy tôi không biết a bạn tôi có lên Saigon hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh có lên Saigon thì anh ta đã đi thăm Sở Thú.
Câu thứ 3 cũng nói về thời quá khứ nhưng lại nói về một việc đã không xảy ra. Khi nói câu này tôi biết ngày ấy, tháng ấy, năm ấy anh bạn tôi đã không lên Saigon, nhưng tôi nghĩ rằng nếu anh ta có lên Saigon thì anh ta đã đi thăm Sở Thú.
Các bạn nhận thấy sự khác biệt giữa câu 1 và câu 2 là: “would visit” trong câu 1 được đổi ra “would have visited” trong câu 2. Tôi đã dùng thì Perfect để chỉ một việc hoàn tất trong quá khứ vậy.
Các bạn cũng nhận thấy sự khác biệt giữa câu 2 và câu 3 là “If he came” trong mệnh đề điều kiện của câu 1 đã đổi thành “If he had come” trong mệnh đề điều kiện của câu 2. Tôi đã dùng Past Perfect để chi rằng cái “nếu” của tôi thực sự đã không xảy ra trong quá khứ.
***
Tóm lại, những câu điều kiện (conditional sentences) có nhiều cách nói trong Anh ngữ, tùy theo cái trình độ “nếu” nặng hay nhẹ, tùy theo mối tương quan thời gian khi nói câu ấy. Việc dùng chữ “should” (cho cả ba ngôi thứ nhất, thứ nhì và thứ ba) trong mệnh đề câu điều kiện chỉ là một trong những cách ấy mà thôi.
Should và would còn được dùng trong nhiều trường hợp khác, không có gì là điều kiện cả.
Trước hết là should chỉ một điều mà ta phải làm (obligation). Các bạn chắc đã quen với trường hợp này, nên tôi tưởng không cần phải nói dài dòng, chỉ đưa ra một vài thí dụ:
- You should look both ways before crossing the road.
(Anh phải nhìn cả hai phía trước khi băng qua đường). - He should be more careful.
(Hắn ta phải cẩn thận hơn). - I should have locked the door but I forgot about it.
(Tôi phải khóa cửa, nhưng tôi đã quên khóa.)
Should ở đây cũng giống như “ought to” nhưng nhẹ hơn “must”. (Chúng ta sẽ trở lại điểm này khi bàn về những cách khác nhau để phát biểu ý niệm obligation, ở đây chỉ bàn về cách dùng chữ “should” mà thôi).
Should còn được dùng để chỉ điều mà ta chờ đợi (expectation). Thí dụ tôi nói:
- It should be fine tomorrow.
(Ngày mai trời phải đẹp.)
Cái nghĩa của should trong câu này cũng gần giống như trong trường hợp obligation, nhưng khi nói câu này cố nhiên tôi không muốn nói rằng có một sự bắt buộc tinh thần nào đó khiến trời ngày mai phải đẹp, mà tôi chỉ muốn nói rằng theo tôi nhận thấy thì ngày mai trời phải đẹp. Trường hợp này, thay vì dùng should tôi cũng có thể nói “It ought to be fine tomorrow.” Một vài thí dụ khác:
- He should arrive this evening.
(Anh ta phải tới đây tối nay.) - There should be another tea-cup somewhere, I know we used to have six.
(Phải có một cái tách nữa ở đâu đó. Tôi biết là mình vẫn có 6 cái.) - We should know the result by tomorrow.
(Chúng ta phải biết kết quả vào ngày mai).
Để kết luận bài nói về should và would này mời các bạn nhận định câu nói sau đây:
- You should get the result by tomorrow, should you do what you should do now.
(Anh phải thâu hoạch được kết quả vào ngày mai, nếu anh làm điều mà anh phải làm bây giờ.)
Câu này có ba chữ “should”: chữ thứ nhất chỉ điều mà ta chờ đợi (expectation), chữ thứ nhì chỉ điều kiện (Condition) chữ thứ ba chỉ điều mà ta phải làm (obligation).
Đọc đến đây có lẽ bạn cảm thấy Anh ngữ thật là rắc rối nhưng xin bạn đừng vội nản chí, vì với thời gian, với thói quen, nhất là với sự nhắc đi nhắc lại thường ngày, những cái mà bạn thấy là rắc rối hôm nay ngày mai sẽ thành quen thuộc cả. Nếu bạn học những điều mà bạn phải học hôm nay, chắc chắn là bạn phải gặt hái được kết quả vào ngày mai. Should you learn what you should learn today, you should get the result by tomorrow.
Trần Nhã
2 Comments
Đây là cuốn sách hay của Trần Nhã xuất bản đã lâu, sau 75 thấy có in lại.
Đúng rồi bạn, Tự học Anh Ngữ sẽ đăng tải dần các bài khác trong sách.