Trong tiếng Anh, từ “vulnerable” có nghĩa phổ biến là “dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, “vulnerable” cũng có rất nhiều nghĩa khác như: có thể bị làm hại, có thể bị xúc phạm, dễ bị tấn công, dễ bị nguy hiểm, không được bảo vệ, chỗ yếu, yếu thế.
Nhiều người khi dịch thuật cứ bám vào nghĩa phổ biến của từ mà không để ý với văn cảnh của câu dùng từ đó, dẫn tới hiện tượng từ bị lạc quẻ trong văn cảnh. Ví dụ:
“In the long run, a wasteful business model is vulnerable to industry changes and business model innovation.”
Về lâu dài, một mô hình kinh doanh lãng phí rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của ngành và sự đổi mới mô hình kinh doanh.
Ở bản dịch trên, trong văn cảnh về kinh doanh thì nghĩa “dễ bị tổn thương” rõ ràng là bị lạc quẻ trong câu dịch, vì sắc thái cảm xúc này thường chỉ có ở con người chứ một mô hình kinh doanh (vốn vô tri) thì không thể nào dễ bị tổn thương được. Nghĩa thay thế phù hợp: dễ bị tấn công / dễ bị tổn hại.
“Về lâu dài, một mô hình kinh doanh lãng phí rất dễ bị tấn công / dễ bị tổn hại trước những thay đổi của ngành và sự đổi mới mô hình kinh doanh.”
Trong một văn cảnh khác về việc chỉ đạo hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19, ta có câu sau:
“We need to allocate resources for protecting vulnerable populations.”
Chúng tôi cần phân bổ nguồn lực để bảo vệ các nhóm dân dễ bị tổn thương.
Thông thường, ở các phát ngôn hay văn bản của chính phủ về vấn đề này, cụm “vulnerable population” sẽ được dịch là “nhóm yếu thế” hay “người yếu thế”, tức bao gồm người lao động nghèo thuần túy, lao động di cư, lao động trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người tái hòa nhập cộng đồng (sau khi ở tù hay cai nghiện) và một nhóm nhỏ khác.
Như vậy, cùng một từ tiếng Anh nhưng có rất nhiều nghĩa khác nhau trong tiếng Việt. Người dịch cần tùy theo văn cảnh mà lựa chọn sắc thái ngữ nghĩa nào phù hợp để tránh tình trạng từ bị lạc quẻ khỏi văn cảnh.