Trong cuốn sách Of Mice and Men (Của chuột và người) của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ John Ernst Steinbeck, Jr. có một câu văn như sau:
“His hands, large and lean, were as delicate in their action as those of a temple dancer.”
Ở bản dịch của Nhã Nam phát hành, dịch giả Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập đã chuyển ngữ câu này như sau:
“Tay hắn lực lưỡng mà thon, khoa lên một cách mềm dẻo như một cô đồng trong điện mẫu.”
Một số độc giả khi đọc tới câu này thì bị cấn lại, bởi trong một cuốn sách lấy bối cảnh nước Mỹ ở thời Đại suy thoái những năm 1930, ở đâu lại thù lù xuất hiện một cô đồng trong điện mẫu – một hình ảnh đậm chất Việt Nam về văn hóa tứ phủ?
Khi tìm hiểu về dịch giả cuốn này, mình mới biết Của chuột và người được dịch lần đầu tiên vào năm 1967, 30 năm sau khi tác phẩm ra đời, bởi hai dịch giả ở miền Nam là Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Lẽ vậy, không khó hiểu khi cách chuyển ngữ này mang dấu ấn của phong cách dịch ở những thập niên trước đây, khi các dịch giả thường chọn một hình ảnh tương đương trong văn hóa Việt để thay thế hình ảnh gốc có phần xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Đặc biệt là một số thành ngữ tiếng Anh sẽ được chuyển sang thành ngữ hay tục ngữ tương đương trong tiếng Việt.
Ở bản dịch của Tao Đàn phát hành vào tháng 12/2018, do dịch giả Phạm Văn dịch mới lại hoàn toàn nhưng vẫn giữ nguyên tựa cũ, câu trên được dịch như sau:
“Bàn tay ông to và thon, cử động mềm mại như tay vũ công trong đền thờ.”
Không lạm bàn tới việc bản dịch nào hay hơn, hay trường phái dịch nào tốt hơn, có thể thấy trong phạm vi hạn hẹp là câu văn này thì bản dịch của Tao Đàn gần với bản gốc hơn và không bị lệch về yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, đối với những độc giả của thế hệ trước, bởi họ không được tiếp xúc với nhiều thể loại văn hóa của nước ngoài và các phương tiện thông tin giải trí thời ấy cũng không phổ biến như bây giờ, có thể hình ảnh ví von “cô đồng trong điện mẫu” lại có phần sống động và dễ hình dung hơn là “vũ công trong đền thờ”.
Trong bối cảnh thế kỷ 21, thế giới đã trở nên phẳng hơn và Internet đã xóa nhòa mọi biên giới thì có lẽ các dịch giả cũng cần có sự chuyển đổi trong phong cách dịch thuật để phù hợp hơn với đối tượng độc giả hiện đại. Như trong công việc biên tập viên sách của mình, không ít lần mình thấy những người dịch thường rất dụng công chơi chữ để tìm một hình ảnh hay thành ngữ, tục ngữ tương đương trong tiếng Việt, nhưng kết quả lại phản tác dụng. Xin điểm qua vài ví dụ điển hình:
1. Trong cuốn sách lấy bối cảnh London thời Thế chiến II, có một câu mô tả nhân vật chính như sau: “Mặt Grace ỉu xìu như bánh đa nhúng nước“. Hình ảnh rất tượng hình, nhưng London thời đó lấy đâu ra bánh đa nhúng nước?
2. Trong một văn cảnh nói về các nhà lãnh đạo phương Tây: “Chúng ta đều cần những nhà lãnh đạo có khuynh hướng hành động vì xã hội. Họ phải là những người quan tâm đến chúng ta, vì tất cả chúng ta đều chung một giàn“. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn là ca dao Việt Nam, chứ người Mỹ đâu có trồng bầu trồng bí chung giàn với nhau? (nếu có chắc chỉ ở vườn nhà của những người Mỹ gốc Việt) => Có thể sửa thành “chung một thuyền”
3. Trong một cuốn sách về nghệ thuật lãnh đạo khác: “Các lời khuyên trên đây tuy là lẽ thường tình, nhưng sự thật là có nhiều người đã sai lầm tham bát bỏ mâm“. Hoặc trong một câu khác: “Họ không ăn cùng mâm, ngồi cùng chiếu với nhau”. Bối cảnh ở trời Tây, nói về những nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ mà cứ dùng “mâm” với “chiếu” đậm đà bản sắc Việt Nam. => Cụm “tham bát bỏ mâm” có thể đổi thành “tham nhỏ bỏ lớn” hay “tham lợi nhỏ bỏ nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn”; còn cụm “ăn cùng mâm, ngồi cùng chiếu” có thể đổi thành “ngang tầm” hay “ngang cơ”.
4. Trong một cuốn sách về tư duy ảo tưởng: “Nhiều thành viên còn háo hức đảm nhận vai trò của người bảo vệ, ân nhân và tâm niệm rằng họ có thể trở thành những Lục Vân Tiên“. Ở bối cảnh nước Mỹ mà dùng hình ảnh Lục Vân Tiên thì có phần lạc quẻ. => Có thể sửa thành “anh hùng hào hiệp trượng nghĩa”
Ở một khía cạnh nào đó, cách chuyển về một hình ảnh hay lối nói thông thường có phần làm câu dịch kém hay cũng như kém sinh động hơn. Nhưng không nhất thiết mọi hình ảnh ẩn dụ hay thành ngữ nào trong bản gốc cũng cần phải tìm được hình ảnh tương đương trong tiếng Việt. Khi xử lý trường hợp này, người dịch cần cân nhắc kỹ lưỡng về sự tương hợp giữa văn hóa Đông – Tây và chỉ nên bản địa hóa tùy theo ngữ cảnh.