Hồi xưa mỗi lần đọc văn học dịch, dù là dịch từ tiếng Anh hay bất kỳ tiếng nào, mình không thể nào cảm thụ được trọn vẹn tác phẩm như khi đọc văn học trong nước. Đọc một hồi mình thường hay lẫn lộn các nhân vật với nhau, nhất là những tuyến truyện có nhiều nhân vật, và mình không thể hình dung ra được khung cảnh diễn ra câu chuyện trong đầu y như đọc một cuốn truyện thuần Việt.
Hồi đó cứ tưởng trí nhớ mình kém, hay người dịch dở, hay cuốn đó không phải gu đọc của mình. Sau này bước vào nghề biên tập, mình mới tìm được nguyên nhân, hóa ra vấn đề nằm ở từ định danh khi chuyển ngữ.
Ở tác phẩm gốc, tên các nhân vật hay địa danh thường được viết trực tiếp mà không có từ đệm định danh đứng trước như trong tiếng Việt, nhất là ở những câu kể ở ngôi thứ ba. Ví dụ: “Lauris Norstad đã đến Mariana. Mọi thứ vẫn còn khá sơ sài ở Guam”. Ở đây chỉ trong 2 câu gần nhau đã có tới 3 cái tên riêng, mà người đọc như mình không biết Lauris là ai, hay Mariana với Guam là địa danh gì nếu không có kiến thức về lịch sử và địa lý. Khi thêm vài từ định danh, câu gốc sẽ trở nên rõ hơn: “Viên sĩ quan chỉ huy Lauris Norstad đã đến quần đảo Mariana. Mọi thứ vẫn còn khá sơ sài ở đảo Guam”. (Mấy cái này phải chịu khó đi search Google chứ tác giả hổng nói nha).
Tương tự, có rất nhiều từ định danh tuy nhỏ mà người dịch hay biên tập viên thường bỏ qua vì dịch theo sát bản gốc, khiến độc giả rất khó hình dung nhân vật đó là viên tướng, anh đầu bếp, cô diễn viên, bà giám đốc. Làm sao tôi phân biệt được James với Diana rồi Grace hay Jerry là anh, chị, ông, bà hay cô, là ngang hàng phải lứa hay nhỏ hơn lớn hơn nhau về vai vế nếu bạn không có tiếng đệm vào? Hay cái địa danh đó là ngôi làng, thị trấn, thành phố, tiểu bang hay ngọn núi, con sông, quần đảo?
Ở tiếng Việt, chỉ cần nói “Tôi sống ở Phan Thiết, Bình Thuận” thì mặc định ai cũng hiểu Phan Thiết là thành phố, còn Bình Thuận là tỉnh. Nhưng khi nói “Anh ta sống ở Worcester, Massachusetts” thì mấy ai biết Worcester và Massachusetts là nơi nào nếu không am hiểu về phân vùng ở Mỹ.
Dĩ nhiên, từ định danh không nhất thiết phải luôn được dùng ở mọi tên riêng để tránh lặp lại quá nhiều. Như mình khi biên tập sách thường chỉ thêm vào ở những tên riêng được nhắc đến lần đầu, hoặc qua vài chương sau mới nhắc lại – lúc đó độc giả cũng đã quên mất biệt tên riêng đó là nói về ai hay nơi nào.
Có một tình huống hài hước gần đây mà chính người bản xứ cũng gặp phải khi quen thói nói chuyện không dùng từ định danh mà mặc định đối phương cũng hiểu y chang mình. Trên bản tin Fox News, một nam MC nói với nữ MC như sau:
“- Tôi đang xem một tập trên “YOU” có đề cập đến bệnh sởi.
– Ủa tôi nhắc đến sởi hồi nào?
– Nó ở trên ”YOU” ấy.
– Cái gì ở trên TÔI cơ? Anh đang nói cái gì vậy? Tôi có bao giờ bị sởi đâu?
– Nó ở trên” YOU”.
– Tôi bảo là tôi có bao giờ bị sởi đâu. Anh đùa tôi đấy à?
– Nó là một tập của một bộ phim ấy Lauren.
– Tên phim ấy là gì?
– YOU, phim đấy tên là YOU.
– Ủa tôi có đóng phim gì về chính tôi bao giờ đâu?
– Đấy là một bộ phim tên “YOU” ở trên Netflix ấy.
– Có một bộ phim tên là Lauren trên Netflix à?
– Thôi tui chịu chị rồi, tui chuyển sang đọc tin về Adele đây.”
Xem đoạn video gốc: https://twitter.com/byandee/status/1460573508199755776
Nếu ngay từ đầu anh MC nói “I’m watching an episode on a TV show which call YOU. I mean that the name of that show, not you literally” thì cô MC sẽ bắt nhịp được liền chứ không tới nỗi phản ứng hú hồn ông địa trên sóng như thế.
Áp vào ngữ cảnh chuyện biên tập sách, tình huống trên cũng tương tự như một câu: “Tối hôm ấy tôi đang xem YOU”. Rồi sao tôi biết YOU nó là bộ phim, cuốn tiểu thuyết hay tờ tạp chí nếu bạn không nói?