Trong tiếng Anh, cụm từ “with all one’s heart” là một expression (lối diễn đạt) quen thuộc, có nghĩa là bằng tất cả trái tim, bằng tất cả tấm lòng hay bằng tất cả tình cảm chân thành. Trong tiếng Việt, trái tim cũng là một hình ảnh hoán dụ chỉ tình cảm hay sự chân thành. Chúng ta có thể thấy được sự tương đồng về mặt ngữ nghĩa và biện pháp tu từ hoán dụ (metonymy) giữa ngôn ngữ nguồn (tiếng Anh) và ngôn ngữ đích (tiếng Việt).
Ví dụ:
– I love you with all my heart. (Tôi yêu em bằng cả trái tim)
– She tried with all her heart to please them. (Cô ấy đã cố gắng bằng tất cả tấm lòng để làm hài lòng họ)
Hãy thử xem qua một câu dịch sau:
Câu gốc: Adults were not angels, and people could not only hurt each other— they could desire that hurt with all their heart.
Câu dịch: Người lớn không phải thiên thần, và con người không những có thể làm hại lẫn nhau mà họ còn có thể thèm muốn làm điều đó bằng tất cả con tim mình.
Nếu dựa trên nghĩa thông thường của cụm “will all their heart” để dịch câu trên, người dịch rất dễ rơi vào chiếc bẫy thói quen khi dịch, tức lựa chọn nghĩa quen thuộc của từ/cụm từ gốc mà quên mất việc khi ráp vào ngữ cảnh của câu thì từ/cụm từ đó có khớp nghĩa hay không.
Như ở câu ví dụ, vế sau của câu mang sắc thái nghĩa hoàn toàn tiêu cực, trong khi ý nghĩa của cụm dịch “bằng tất cả con tim mình” lại có sắc thái tích cực, khiến cho câu dịch bị trớt quớt về nghĩa. Ở đây, chúng ta có thể sử dụng thủ pháp diễn đạt lại nghĩa cụm từ trong tiếng Việt sang nghĩa tương đương, nhưng phù hợp với sắc thái tiêu cực của vế sau.
Câu dịch mẫu: Người lớn không phải thiên thần, và con người không những có thể làm hại lẫn nhau mà họ còn có thể thực lòng / thực tâm / thực bụng thèm muốn làm điều đó.
Bằng tất cả con tim mình = thực lòng / thực tâm / thực bụng
Để tránh rơi vào lỗi dịch không khớp ngữ cảnh, khi dịch xong người dịch nên xoay chuyển góc nhìn dưới góc độ của một độc giả để có sự tỉnh táo phát hiện những chỗ có vấn đề trong bản dịch.