Anh Ngữ Học Mà Khoái

Anh Ngữ Học Mà Khoái: YES và NO

Pinterest LinkedIn Tumblr

Chúng ta thường cho rằng trong Anh ngữ hai tiếng yes và no là hai tiếng dễ nói nhất. Và khi chê một người kém Anh ngữ, ta thường nói “Ăng-Lê” của hắn chỉ có yes và no. Nhưng tôi có thể quả quyết rằng đối với người Việt Nam học Anh ngữ, hai tiếng yes và no lại là hai tiếng khó nói hơn cả.

Nói như vậy không khỏi có bạn cho là nói ngoa, vì yes và no chỉ có nghĩa là “có” và “không”, có thì nói có, không thì bảo không, có gì là khó khăn đâu.

Sự thật trái ngược thế: hai tiếng yes và no quả là hai tiếng khó nói nhất trong Anh ngữ đối với chúng ta vì lý do sau đây: người Việt Nam mình, khi đồng ý một điều gì với người đối thoại với mình, thường dùng một trong những tiếng sau đây: ừ, có, vâng, dạ, phải, được – và tất cả những tiếng này dịch ra Anh ngữ đều là yes. Khi chúng ta đồng ý với một điều xác định (affirmation) chúng ta nói yes là đúng rồi. Nhưng khi chúng ta đồng ý với một điều phủ định (negation), chúng ta cũng nói yes luôn. Cái sai là ở chỗ đó, vì trong Anh ngữ, khi đồng ý với một lời phủ định, người ta nói no chứ không nói yes.

Thí dụ, bạn hãy thử dịch ra Anh ngữ mẩu đối thoại sau giữa A và B, hai người bạn đi dạo phố và bình phẩm về một cô gái qua đường:

A – Cô ta không đẹp.
B – Ừ, cô ta không đẹp.

Chắc chắn bạn sẽ dịch như sau:

A – She is not beautiful.
B – Yes, she is not beautiful.

Dịch như vậy là sai, vì nếu A và B là người Anh hoặc Mỹ thì mẩu đối thoại trên đây phải là:

A – She is not beautiful.
B – No, she isn’t.

Ta thấy B đồng ý với lời phủ định của A là “cô ta không đẹp”, nhưng B đã nói no để phát biểu sự đồng ý đó chứ không nói yes. Nếu nói yes tức là B không đồng ý với A là “cô ta không đẹp” và trong trường hợp đó thì câu nói của B phải là “Yes, she is.”

Nhưng nếu B là người Việt Nam thì khi không đồng ý là “cô ta không đẹp”, tức là đồng ý với lời phủ định của A, B chắc hẳn sẽ nói yes để phát biểu sự đồng ý đó với người đối thoại dù đó là một lời phủ định. Cái yes đó là do những tiếng ừ, vâng, dạ, có phải, được, từ trong thâm tâm ta mà bật thành yes trong khi đúng ra thì phải nói no. Và cái yes đó chắc chắn sẽ làm A (người Anh hoặc Mỹ) lấy làm lạ vì không hiểu tại sao B bảo là “cô ta không đẹp” mà lại nói yes.

Sự xáo trộn giữa yes và no này làm cho người Anh-Mỹ khi nói chuyện với người Việt Nam nhiều lúc không khỏi cảm thấy người mình khó hiểu, vì khi họ chờ đợi mình nói no thì mình lại nói yes và ngược lại mình nói yes lắm khi họ lại phải hiểu là no. Chỉ có những người Anh-Mỹ sống ở Việt Nam lâu ngày, biết rõ rằng người Việt Nam nhiều khi nói yes nhưng phải hiểu là no, mới tránh được những ngạc nhiên trong lúc đàm thoại. Một bà giáo sư người Mỹ nói chuyện với tôi rằng nhiều khi nghe học sinh của bà nói yes, bà ta không hiểu đó là yes thật hay là no, và phải hỏi lại đó là “yes yes” hay “yes no”!

Nói tóm lại, yes và no không phải là hai tiếng dễ nói như chúng ta tưởng, và sự lầm lẫn giữa hai tiếng này là một trong những lỗi căn bản của người Việt khi học tiếng Anh. Điều đáng chú ý hơn nữa là có khi chính mình đã biết rõ nguyên tắc đồng ý với một lời phủ định thì phải nói no, vậy mà trong lúc nói chuyện vẫn bị lầm lẫn, thay vì nói no vẫn buột miệng nói yes.

Ta không thể nói rằng đó là một sự sai lầm đáng châm chế vì nó phát sinh từ phản ứng tự nhiên của người Việt khi nói tiếng Anh. (Theo thiển ý, khi đã học nói một ngoại ngữ thì phải nói cho đúng, dù có khi phải “ngoại hóa” cái phản ứng cố hữu của mình. Nói một cách khác, muốn nói tiếng Anh cho giỏi và đúng, chúng ta phải học thế nào để có thể “nghĩ bằng tiếng Anh” chứ không phải nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới tìm chữ dịch ra Anh ngữ, vì như vậy không thể nào tránh khỏi những lỗi lầm tương tự như yes và no trên đây.)

Nghĩ bằng tiếng Anh tức là sẽ “Anh ngữ hóa” được cái phản ứng máy móc của mình trong lúc đàm thoại bằng Anh ngữ. Mục đích này đòi hỏi nhiều thời giờ và một phương pháp học tập công phu mà tôi sẽ trình bày với bạn đọc ở đây. Trong khi chờ đợi, muốn nói yes và no cho đúng, không có cách nào khác hơn là nên cố chậm rãi trong khi đàm thoại bằng Anh ngữ, đừng vội yes đừng vội no, để một vài giây suy nghĩ trước khi biểu đồng tình hay không biểu đồng tình với người đối thoại của mình, để tránh tình trạng yes nói thành no, no hóa ra yes vậy.

Trần Nhã

(Số lượt đọc: 111 lần, 1 lượt đọc hôm nay)

Tự học Anh ngữ là một dự án chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm học tiếng Anh miễn phí dành cho những ai muốn tự học tiếng Anh tại nhà.

Bình luận