Trong văn viết, dấu câu chính là thành phần tạo nên cấu trúc ngữ pháp, giúp thống nhất mạch liên kết giữa câu và đoạn văn. Nhờ vào dấu câu, nội dung bài viết trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Trong rất nhiều trường hợp, dấu câu còn là phương tiện thể hiện ngữ điệu, thái độ, cảm xúc của người viết.
Mỗi dấu câu đều có chức năng và quy tắc riêng khi sử dụng. Hiểu và phân biệt được vai trò của các dấu trong câu sẽ giúp chúng ta tránh được những lỗi ngữ pháp cơ bản, từ đó nội dung cũng được trình bày rành mạch hơn.
Trong tiếng Anh, có 7 loại dấu câu thông dụng:
- Dấu chấm . (Full stop/period)
- Dấu phẩy , (Comma)
- Dấu chấm hỏi ? (Question mark)
- Dấu chấm than ! (Exclamation mark)
- Dấu hai chấm : (Colon)
- Dấu ngoặc đơn () (Round brackets)
- Dấu ngoặc kép “” (Double quotation mark)
1. Dấu chấm (Full stop/period)
Trong tất cả các dấu câu, dấu chấm được sử dụng phổ biến nhất. Chúng được đặt ở cuối câu báo hiệu câu đã kết thúc. Khi viết, dấu chấm thường được dùng trong câu miêu tả hoặc tường thuật.
Ví dụ:
There are five members in my family.
Tạm dịch: Có năm thành viên trong gia đình tôi.
2. Dấu phẩy (Comma)
Sau dấu chấm, dấu phẩy được dùng thông dụng trong hầu hết các nội dung và văn bản tiếng Anh. Dấu phẩy có rất nhiều chức năng:
a. Dùng để phân tách cụm từ dài
Khi liệt kê từ 3 đối tượng trở lên, người viết phải dùng dấu phẩy để ngăn cách. Riêng đối với từ được liệt kê cuối cùng, chúng ta phải dùng liên từ “and” hoặc “or”.
Ví dụ:
There are five members in my family.
Tạm dịch: Có năm thành viên trong gia đình tôi.
Lưu ý: Trong tiếng Anh-Anh, dấu phẩy thường được lược bỏ trước liên từ “and”. Tuy nhiên, với tiếng Anh-Mỹ, dấu phẩy lại thường được đặt trước “and”.
b. Với câu ghép được hình thành bởi hai hoặc nhiều mệnh đề độc lập, trước các liên từ cần dùng dấu phẩy để ngăn cách.
Ví dụ: I am tired, so I will go to bed early.
Tạm dịch: Tôi mệt nên tôi sẽ đi ngủ sớm.
c. Trong câu tường thuật, dấu phẩy dùng để ngăn cách vế mở đầu và lời hội thoại trực tiếp.
Ví dụ: My mother said, “You should drink more water.”
Tạm dịch: Mẹ tôi nói, “Con nên uống nhiều nước hơn.”
d. Dấu phẩy phân tách giữa mệnh đề phụ thuộc (dependent clause) và cụm giới từ dài (long prepositional phrases).
Ví dụ: According to the weather forecast, the tropical storm is coming.
Tạm dịch: Theo dự báo thời tiết, cơn bão đang đổ bộ.
e. Dấu phẩy ngăn cách giữa cách danh từ, cụm danh từ hoặc mệnh đề không xác định (non-defining relative clause).
Ví dụ: All my students, who study hard, have passed the exam.
Tạm dịch: Tất cả những học sinh của tôi, những người đã học hành chăm chỉ, đã vượt qua kỳ thi.
3. Dấu chấm hỏi (Question mark)
Dấu chấm hỏi được dùng trong câu nghi vấn, nhằm đưa ra thắc mắc để nhận được phản hồi hoặc xác nhận của đối phương. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dấu chấm hỏi vẫn được sử dụng trong câu dù người hỏi không mong chờ sẽ có được câu trả lời.
Ví dụ: Can you play the piano?
Tạm dịch: Cậu có thể chơi piano được hay không?
4. Dấu chấm than (Exclamation mark)
Dấu chấm than được dùng trong câu cảm thán hoặc câu cầu khiến, nhằm thể hiện cảm xúc ngạc nhiên, xúc động, tức giận hay vui sướng,… Trong một số tình huống, dấu chấm than được dùng với hàm ý muốn nhấn mạnh một điều gì đó.
Ví dụ: How beautiful she is!
Tạm dịch: Cô ấy thật đẹp làm sao!
Trong văn viết trang trọng, dấu chấm hỏi và dấu chấm than thường hạn chế sử dụng, thay vào đó, người viết sẽ dùng câu tường thuật và các cấu trúc đặc biệt trong bài.
5. Dấu hai chấm (Colon)
Dấu hai chấm dùng để bắt đầu một danh sách liệt kê, hoặc để giải thích bổ sung thông tin cho một định nghĩa, khái niệm đã được nêu trước đó.
Ví dụ: There are three kinds of fruit which are sold today: Bananas, apples, and grapes.
Tạm dịch: Có ba loại trái cây được bán hôm nay: Chuối, táo và nho.
Ngoài ra, trong câu tường thuật, dấu hai chấm còn có chức năng tương tự như dấu phẩy, dùng để ngăn cách vế mở đầu với câu hội thoại trực tiếp.
Ví dụ: He said: “Turn on the light”.
Tạm dịch: Anh ấy nói: “Bật đèn lên”.
6. Dấu ngoặc đơn (Round brackets)
Dấu ngoặc đơn giúp làm rõ hoặc dẫn thêm ví dụ về các thông tin hoặc khái niệm đã đưa ra trước trong câu.
Ví dụ: Da Lat (in Lam Dong province) has many beautiful landscapes.
Tạm dịch: Đà Lạt (ở tỉnh Lâm Đồng) có rất nhiều thắng cảnh đẹp.
Một số trường hợp, dấu ngoặc đơn dùng để thể hiện suy nghĩ, thái độ của người viết về một hành độ, sự việc đã diễn ra.
Ví dụ: Facebook is just for fun, not for study (I disagree).
Tạm dịch: Facebook chỉ để giải trí, không phải để học hành (Tôi không đồng tình).
7. Dấu ngoặc kép (Double quotation mark)
Dấu ngoặc kép thường được dùng để trích dẫn câu nói từ sách, báo hoặc từ một người nào đó.
Ví dụ: “Success is a lousy teacher. It seduces smart people into thinking they can’t lose” (Bill Gates)
Tạm dịch: “Thành công là một người thầy tồi tệ. Nó dụ dỗ những người thông minh tin vào ý nghĩ họ không thể thất bại.” (Bill Gates)
Trong tiếng Anh, vị trí của dấu câu trước hoặc sau dấu ngoặc kép là khác nhau. Dấu hai chấm luôn đứng ngoài dấu ngoặc kép.
Ví dụ: The prisoner uttered: “Leave me alone.”
Tạm dịch: Người tù nhân đã thốt lên: “Hãy để tôi yên.”
Vị trí của dấu chấm và dấu phẩy trong dấu ngoặc kép ở tiếng Anh-Anh và Anh-Mỹ là khác nhau. Với tiếng Anh-Mỹ, người viết luôn cần phải đặt dấu chấm và dấu phẩy bên trong dấu ngoặc kép, ngược lại, trong tiếng Anh-Anh, dấu chấm và dấu phẩy phải đặt phía bên ngoài.
Ví dụ: “The problem with opinions,” Paula explained, “is that everyone has one.”
Tạm dịch: “Vấn đề với các ý kiến,” Paula giải thích, “là mọi người đều có một ý kiến.”
Trong câu có dùng dấu ngoặc kép, việc sử dụng dấu chấm hỏi và dấu chấm than sẽ tùy thuộc vào ngữ cảnh. Nếu toàn bộ câu là câu hỏi và lời trích dẫn là một từ hoặc cụm từ đặt cuối câu, dấu chấm hỏi sẽ đặt bên ngoài dấu ngoặc kép.
Ví dụ: Do you like watch “The Office”?
Tạm dịch: Em có thích xem phim “The Office” hay không?
Nếu toàn bộ câu hỏi là câu tường thuật và lời trích dẫn là câu hỏi thì dấu hỏi sẽ đặt bên trong dấu ngoặc kép.
Ví dụ: He shouted, “Where do you think you’re going?”
Tạm dịch: Hắn gào lên, “Mày nghĩ mày sẽ đi đâu?”
Nguồn tham khảo:
- vi.wikipedia
- grammarly.com
- zim.vn
- acxelavietnam.com