Trong một số cuốn sách về chủ đề tâm linh, chúng ta sẽ thường bắt gặp những từ như “true self”, “inner self”, “lower self” và “higher self”, trong đó từ “higher self” thường được nhiều người dịch là “cái tôi cao hơn”. Cách dịch này liệu có phù hợp? Và có cách dịch nào khác hay hơn không?
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về khái niệm tam phân trong tôn giáo nói chung. Mỗi một con người là sự hợp thể của ba phần:
- Chân thần (pure spirit hay soul), còn được gọi là Tinh thần thuần khiết hay Linh hồn.
- Chân ngã (higher self), còn được gọi là Cái tôi cao siêu, Cái tôi cao hơn hay Thượng ngã.
- Phàm ngã (ego hay lower self), còn được gọi là Bản ngã, Cái tôi hay Cái tôi thấp hơn.
Nói một cách đơn giản, con người chúng ta ai cũng có cái tôi (ego), và cái tôi ấy thường hướng tới những thứ hình thức bên ngoài như vật chất, địa vị xã hội, sự thành công và sự thừa nhận của người khác dành cho chúng ta. Nhưng higher self thì không quan tâm tới điều đó, nó chỉ quan tâm tới những điều tận sâu trong tim ta và thường bị cái tôi che lấp. Higher self luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng mọi thứ bạn cần đều nằm ở bên trong bạn, chỉ cần bạn chú tâm lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
Như vậy, có thể hiểu ngắn gọn higher self là một trình độ nhận thức cao hơn cái tôi. Nhưng dịch “higher self” là “cái tôi cao hơn” liệu có phù hợp?
Theo từ điển tiếng Việt, “bản ngã” (hay cái tôi) là bản năng và dục vọng bẩm sinh, không có ý thức, ở con người. Dựa theo cách hiểu này và ý niệm chung của chúng ta về “cái tôi” hay “bản ngã”, thì vô tình cách dùng cụm “cái tôi cao hơn” cũng đồng nghĩa với bản năng và dục vọng cao hơn, theo logic về mặt ngữ nghĩa khi ráp từ. Do vậy, cách dùng này có tới hai cách hiểu khác nhau:
- Đối với người đã nghe qua và đã biết về higher self, họ sẽ hiểu đó là một cái tôi cao siêu, vượt thoát hơn cái tôi hay bản ngã thông thường, với sắc thái tích cực.
- Đối với người chưa biết gì về higher self, họ sẽ dễ hiểu lầm đó là một mức độ cao hơn của cái tôi hay bản ngã, với sắc thái tiêu cực.
Để tránh sự hiểu lầm không đáng có này, có rất nhiều cách dịch thay thế để giải nghĩa từ “higher self”, như: vị thầy bên trong, con người bên trong, tiếng nói bên trong, tiểu vũ trụ, trực giác/linh cảm,… Trong khá nhiều cuốn sách tâm linh mình đọc, cách dùng “vị thầy bên trong” được chuộng nhiều hơn và cũng phản ánh đúng vai trò dẫn dắt của higher self.
Chơn Linh