Ba năm sau khi qua Mỹ, tôi dọn tới thành phố Denver và ghi danh học tại Regis College. Tất cả sinh viên đều phải thi xếp lớp Anh Văn. Điểm thấp thì vào Remedial English, đủ điểm thì vào English Composition, còn xuất sắc thì vào English Literature. Sau khi coi bài thi của tôi, bà giám khảo lắc đầu nói:
“Tôi không biết phải làm gì cho anh. Văn Phạm anh vững nên không cần học Remedial English. Bố cục bài văn anh viết mạch lạc nên anh không cần học English Composition. Nhưng preposition của anh thì sai nhiều quá. Rất tiếc không có lớp nào ở đây có thể giúp anh về preposition được. Vậy anh vào lớp English Literature nhưng về nhà tìm học thêm preposition.”
Gần 20 năm sau tôi vẫn còn lúng túng về preposition, vì không quy luật rõ ràng, mà chỉ dùng nhờ quen tai thôi. Cũng như người Việt mình nói “mặc áo” nhưng lại “đi giầy” và “đội nón”. Một số các em lớn lên tại Mỹ “mặc” hết mọi thứ, “mặc giầy” và “mặc nón” luôn. Trước kia tôi tưởng rằng qua Mỹ rồi tiếng Mỹ sẽ nhập vào người, không học cũng biết. Điều này có vẻ đúng đối với các em nhỏ dưới 12 tuổi, nhưng đối với người lớn thì có mặt còn khó hơn là học tại Việt Nam, vì những thứ như preposition người Mỹ không cần học, nên khó mà kiếm được sách học preposition. Mà khi kiếm được, thì đa số những sách hay nhất về văn phạm và preposition lại không do người Mỹ soạn.
Giáo sư Lê Tôn Hiến với nhiều kinh nghiệm sư phạm Anh Văn đã soạn sách này rất công phu và sáng sủa. Thêm vào đó, vài Giáo sư Mỹ đã góp ý về mức độ thông dụng trong ngôn ngữ của họ. Học viên thuộc nhiều trình độ đều có thể dùng tập sách này.
Bạn nên dùng sách này càng sớm càng tốt và ôn đi ôn lại cho đến khi mỗi câu thành quen tai. Như vậy bạn không còn lo thầy cô sẽ bảo về nhà học lại preposition như tôi bị ngày xưa tại Regis College.
Lê Xuân Hy, Ph.D.
Viện trưởng, Viện Tâm Lý Đại học Seattle, Hoa Kỳ