Kiến thức tổng quan

Ứng dụng lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ vào việc học tiếng Anh (P3)

Pinterest LinkedIn Tumblr

Ở phần cuối của chuỗi bài về lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hai giả thiết cuối cùng trong 5 nền tảng về việc học tiếng Anh: Giả thiết bộ lọc cảm xúc (Affective filter) và Giả thiết trình tự tự nhiên (Natural order).  

Hai giả thiết này sẽ giúp người học hiểu rõ những cơ chế của não bộ khi tiếp thu một ngôn ngữ mới, từ đó lựa chọn được phương pháp và tài liệu học phù hợp với trình độ.  

Giả thiết bộ lọc cảm xúc (Affective filter) 

Theo lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ của giáo sư Krashen, việc học ngôn ngữ có liên quan mật thiết đến cảm xúc và động lực. Nếu người học bị các yếu tố về tâm lý cản trở, những thông tin được tiếp thu sẽ không đến được cơ quan tiếp nhận ngôn ngữ (Language Acquisition Device – LAD). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển khả năng tiếng Anh của người học.

Nguồn ảnh: ACA explorers

Cụ thể, các trạng thái sau sẽ quyết định trực tiếp đến mức độ tiếp nhận ngôn ngữ: 

  • Motivation (Động lực): Người có động lực học cao thường tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn. 
  • Tự tin (Self-esteem): Người tự tin vào khả năng của bản thân sẽ kiên trì học đến cùng, dù khởi đầu có khó khăn đến chừng nào.
  • Lo sợ (Anxiety): Mức độ lo sợ (của cá nhân hoặc tập thể) càng ít thì khả năng học ngôn ngữ càng tốt. 

Hay nói cách khác, với cùng một nội dung học, nếu bản thân cảm thấy tự tin, thoải mái, nhiều động lực thì chúng ta sẽ tiếp thu ngôn ngữ hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu người học tự ti, lo lắng, căng thẳng, cơ chế phòng vệ ở não sẽ hình thành một màng chắn và làm cản trở quá trình tiếp thu ngôn ngữ mới. Kết quả là dù học nhiều, tiếng Anh của bạn cũng rơi rụng và không tiến bộ được bao nhiêu. 

Ứng dụng giả thiết bộ lọc cảm xúc vào việc học tiếng Anh 

Hiểu được thuyết này, chúng ta sẽ nhận diện được lý do khiến bản thân không thể cải thiện được khả năng tiếng Anh, một trong số đó là vì bạn cảm thấy chán ghét, chưa tìm được mục đích thực sự để học.

Có thể trước đây, bạn đã từng trải qua những tiết học tiếng Anh thật tệ tại các trường lớp truyền thống. Nơi đó, bạn cảm thấy không hứng thú gì với tiếng Anh. Phần nhiều thời gian và nỗ lực, bạn tập trung vào việc đối phó với các bài kiểm tra. Trong trạng thái căng thẳng đó, não sẽ dành năng lượng cho việc phòng thủ và trốn tránh hơn là học cái mới. 

Cũng có thể là vì trước đây, ai đó đã chê bạn phát âm dở, bạn viết tiếng Anh không hay. Lâu ngày, bạn dần tin vào những điều “dán nhãn” này và cho rằng mình không thể cải thiện được khả năng tiếng Anh. 

Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng, mất mát, thiếu động lực khi học tiếng Anh này. Vì thế, điều đầu tiên, bạn cần phải nhận diện được lý do tại sao mình chưa cảm thấy hứng thú với tiếng Anh. Tìm được mục đích thực sự cho việc học, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc học,  từ đó tiến bộ dần dần.  

Giả thiết trình tự tự nhiên (Natural order) 

Trong giả thiết trình tự tự nhiên, giáo sư Krashen đã đưa ra kết luận, quá trình trẻ em tiếp thu tiếng mẹ đẻ cũng tương tự như việc chúng ta hấp thụ một ngôn ngữ mới. Mọi thứ đều theo trật tự riêng nhất định. Một số cấu trúc ngữ pháp sẽ được hấp thụ sớm, một số cấu trúc khác sẽ hấp thụ trễ hơn. Khả năng từ vựng cùng các kiến thức về ngữ pháp sẽ dần được hình thành khi người học tiếp xúc với đầu vào ở mức độ dễ hiểu. 

Quá trình tiếp thu này sẽ diễn ra theo một tiến trình riêng của não bộ. Mỗi người học đều có một mức độ tiếp thu ngôn ngữ khác nhau, vì thế việc cố tình áp một giáo trình ngữ pháp chung cho tất cả các học viên là điều khó chịu và gần như vô ích. 

Nguồn ảnh: JHU Hub 

Ứng dụng giả thiết trình tự tự nhiên vào việc học tiếng Anh 

Trong việc học tiếng Anh, người học có thể ứng dụng giả thiết này trong việc lựa chọn tài liệu học phù hợp. Thay vì gò bó với những giáo trình cụ thể, bạn có thể học và phát triển khả năng ngôn ngữ thông qua sách, phim ảnh, podcast hay qua âm nhạc,…

Việc học từ vựng theo ngữ cảnh là một trong những cách hấp thụ ngôn ngữ hiệu quả. Nhờ vào những câu tiếng Anh được lặp đi lặp lặp trong các câu chuyện và đoạn hội thoại mà người học có thể nhớ từ vựng nhanh và lâu hơn. Cấu trúc về ngữ pháp vì thế cũng dần được hình thành theo phản xạ. 

Bên cạnh đó, giả thiết trình tự tự nhiên này được ứng dụng cả với việc dạy học tiếng Anh. Khi soạn nội dung đứng lớp, giáo viên cần lấy học viên làm trọng tâm và dạy những kiến thức phù hợp với cấp độ của người học. Cấu trúc ngôn ngữ nên được bắt đầu từ những khái niệm dễ hiểu, sau đó dùng chúng làm nền móng để dạy những khái niệm khó hơn, trừu tượng hơn. 

Nguồn tham khảo:
Second Language Acquisition and Second Language Learning – Stephen Krashen

 

(Số lượt đọc: 740 lần, 1 lượt đọc hôm nay)

Bình luận