Ở phần trước, chúng ta đã làm quen với Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ của Stephen D. Krashen và giả thiết đầu vào (Input hypothesis) để ứng dụng trong việc lựa chọn tài liệu học tiếng Anh phù hợp.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 2 giả thiết tiếp theo trong 5 nền tảng của việc học tiếng Anh: Giả thiết thụ đắc trực tiếp/Học gián tiếp (Acquisition/Learning Hypothesis) và Giả thiết mô hình kiểm soát (The monitor hypothesis).
Thông qua nội dung từng phần, người đọc sẽ nhận thức đúng hơn vai trò của việc tự học tiếng Anh trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Từ đó, chúng ta có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình với những phương pháp khoa học hơn.
Giả thiết thụ đắc trực tiếp/Học gián tiếp (Acquisition/Learning Hypothesis)
a. Thụ đắc trực tiếp (Direct acquisition)
Thụ đắc trực tiếp hay còn gọi là tích lũy tự nhiên, là phần thuộc về phản xạ vô thức. Theo giáo sư Krashen, chúng ta hình thành các phản xạ tiếng Anh thông qua quá trình xem phim, đọc sách, nghe người bản xứ nói chuyện,… Khi lượng kiến thức được lặp đi lặp lại đủ nhiều, các thông tin này sẽ trở thành tiềm thức trong não bộ, từ đó tạo nên các phản xạ khi giao tiếp bằng tiếng Anh.
b. Học gián tiếp (Indirect learning)
Đây là phần thuộc về phản xạ có ý thức. Quá trình này sẽ diễn ra khi chúng ta học các kiến thức về ngôn ngữ như các từ vựng, quy tắc ngữ pháp, công thức của các thì,… Học gián tiếp thường là những hoạt động diễn ra trong các lớp học tiếng Anh truyền thống.
Nguồn ảnh: Thoughtco
c. Mối liên hệ giữa thụ đắc trực tiếp/học gián tiếp và quá trình phát triển ngôn ngữ
Theo giáo sư Krashen, thụ đắc trực tiếp đóng vai trò đến 80% trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự lưu loát (fluency) cho cả bốn kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Học gián tiếp chỉ chiếm 20% còn lại và không thể thay thế được thụ đắc trực tiếp.
Quá trình học gián tiếp có tác dụng giúp cải thiện tính chính xác (accuracy), bằng cách kiểm soát và sửa lỗi đầu ra (output) trước khi diễn đạt ra bên ngoài. Vì thế nên, học gián tiếp sẽ phù hợp để áp dụng cho những nội dung chưa được chúng ta thụ đắc trực tiếp (ví dụ như kỹ năng nói và viết).
Ứng dụng giả thiết thụ đắc trực tiếp/học gián tiếp vào việc học tiếng Anh
Thụ đắc trực tiếp đóng vai trò đến 80% trong việc hình thành năng lực ngôn ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc, để thành thạo tiếng Anh, người học phải dành tối thiểu 80% thời gian cho việc tự input kiến thức tại nhà.
Giả thiết này đồng thời giúp chúng ta đánh giá đúng vai trò của các lớp học tiếng Anh trong việc phát triển ngôn ngữ. Thời gian học trên lớp dù có nhiều đến chừng nào cũng chỉ chiếm tối đa 20% trong quá trình phát triển các kỹ năng tiếng Anh. Hay nói cách khác, nếu chỉ đến lớp mà không dành thời gian tự học tại nhà, chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện khả năng tiếng Anh của mình. Thầy cô chỉ đóng 20% vai trò hướng dẫn, giúp học viên lựa chọn phương pháp học phù hợp, còn lại 80% phụ thuộc vào thời gian chúng ta dành ra để tìm tòi và trau dồi thêm ngôn ngữ mình đang học.
Giả thiết mô hình kiểm soát (The monitor hypothesis)
Trong giả thiết này, giáo sư Krashen đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa thụ đắc trực tiếp và học gián tiếp. Quá trình thụ đắc trực tiếp tạo nên sự lưu loát, từ đó việc giao tiếp tiếng Anh được trôi chảy. Trong khi, học gián tiếp sẽ đóng vai trò như một monitor (người kiểm soát), giúp bạn tự xác định và điều chỉnh những lỗi sai khi nói hoặc viết.
Theo giáo sư Krashen, sự lưu loát và chính xác đều đóng vai trò quan trọng như nhau. Chúng ta cần cả hai yếu tố này để có thể giao tiếp một cách hiệu quả nhất.
Ứng dụng thuyết kiểm soát trong việc học tiếng Anh
1. Hiểu được tầm quan trọng của ngữ pháp tiếng Anh
Kiến thức về ngữ pháp tuy chỉ đóng vai trò 20% trong quá trình phát triển khả năng tiếng Anh. Tuy nhiên, đây lại là phần nền tảng giúp bạn hạn chế 80% những lỗi giao tiếp thường gặp trong công việc và đời sống hằng ngày. Nhờ vào ngữ pháp mà bạn có thể đặt câu chính xác hơn, đồng thời hiểu được trọn vẹn nội dung mà người nói (hoặc người viết) muốn truyền đạt.
2. Phân chia thời gian trên lớp và tự học tại nhà
Người học có thể ứng dụng giả thiết này bằng cách phân chia việc tiếp thu ngôn ngữ thành từng giai đoạn và môi trường riêng biệt – trên lớp học và ở nhà.
Trong lớp học, chúng ta nên tập trung vào việc tiếp thu ngữ pháp, từ vựng mới,… Thầy cô sẽ đóng vai trò hỗ trợ sửa bài tập, rèn luyện các kỹ năng đầu ra là Nói và Viết. Sau đó, bạn tự vận dụng những kiến thức đã được học này vào quá trình trình input kiến thức tại nhà để kích thích sự tò mò và hứng thú.
Nguồn tham khảo:
Second Language Acquisition and Second Language Learning – Stephen Krashen