Não bộ – cơ quan quan trọng nhất của con người – quyết định toàn bộ đến ý thức, tư duy và hình thành các cơ chế phản xạ. Hiểu về cách thức não bộ tiếp thu ngôn ngữ mới là một trong những gốc rễ quan trọng giúp chúng ta lựa chọn được phương pháp học tiếng Anh phù hợp.
Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ (Second language acquisition) của giáo sư Stephen D. Krashen là nghiên cứu tâm lý về hành vi của não bộ, cách thức một người trưởng thành tiếp thu ngôn ngữ mới. Theo đó, Krashen đã kết luận rằng con người có khả năng học ngoại ngữ bẩm sinh và không có khác biệt nào giữa việc chúng ta học tiếng mẹ đẻ và một ngôn ngữ mới.
Theo giáo sư Krashen, cách học ngoại ngữ hiệu quả được tóm tắt theo 5 giả thiết sau:
- Giả thiết đầu vào (Input hypothesis)
- Giả thiết thụ đắc gián tiếp/Học trực tiếp (Acquisition/Learning)
- Giả thiết mô hình kiểm soát (Monitor model)
- Giả thiết bộ lọc cảm xúc (Affective filter)
- Giả thiết trình tự tự nhiên (Natural order)
Nguồn ảnh: Semantic Scholar
Giả thiết đầu vào (Input hypothesis)
Giả thiết đầu vào cho rằng, 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết được chia làm hai loại: Input (Đầu vào) và Output (Đầu ra).
Input (Bao gồm Nghe và Đọc)
Đầu vào ở đây chính là hình ảnh hoặc âm thanh. Bằng cách nghe và đọc thật nhiều đoạn hội thoại hoặc câu chuyện từ một ngôn ngữ, não bộ của chúng ta sẽ dần tiếp thu và lưu trữ những thông tin mới (câu, từ, phát âm,…).
Output (Bao gồm Nói và Viết)
Khi muốn nói hoặc viết một điều gì, não bộ sẽ bắt đầu tìm kiếm thông tin từ những câu mà chúng ta đã đọc hoặc nghe trước đây. Sau đó, cơ chế hình thành phản xạ sẽ bắt chước và tạo ra một câu mới phù hợp. Vì thế muốn output được tốt, chúng ta cần phải input thật nhiều. Càng nhận được nhiều mẫu câu đúng, não bộ càng tiếp thu và có khả năng tạo ra được các câu mới.
Nguồn ảnh: istock
Theo giáo sư Krashen, để quá trình input đạt chất lượng tốt nhất, nội dung đầu vào cần phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
a. Hiểu được (Comprehensible)
Đây chính là yếu tố cơ bản và cần thiết, vì nếu chúng ta không hiểu hết được nội dung thì những đoạn hội thoại một khi qua bộ lọc ngôn ngữ sẽ chỉ còn là những tiếng ồn và chữ viết chỉ là những ký tự vô nghĩa. Não bộ sẽ không thu nạp được thông tin dù cho ta có đọc hoặc nghe nhiều đến đâu đi chăng nữa.
b. Hứng thú (Compelling)
Khi cảm thấy hứng thú với nội dung mình đang đọc hoặc nghe, quá trình thụ đắc ngôn ngữ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nội dung hấp dẫn ở đây là những câu chuyện hay bộ phim cuốn hút khiến chúng ta hoàn toàn tập trung vào việc theo dõi đến mức quên rằng mình đang nghe/đọc tiếng nước ngoài.
c. Lượng đủ nhiều (Massive input)
Đây là yếu tố nền tảng nhất trong quá trình input kiến thức mới. Muốn output được hiệu quả thì nội dung đầu vào phải được lặp đi lặp lại đủ nhiều để khắc sâu vào tiềm thức.
Đồng thời, giáo sư Krashen cũng lưu ý, trong quá trình học ngoại ngữ, chúng ta cần lựa chọn tài liệu khó hơn một chút so với trình độ hiện tại của bản thân. Nếu bạn đang ở trình độ là x thì khi học nên chọn nội dung có mức độ khó là x +1.
Ứng dụng giả thiết đầu vào việc học tiếng Anh
1. Tập trung vào Input hiệu quả
Não bộ tạo ra những câu mới (Output) dựa trên những nội dung mà bạn đã từng nghe thấy hoặc đọc được (Input). Vì thế muốn cải thiện khả năng tiếng Anh, bạn phải tập trung nhiều vào kỹ năng Nghe và Đọc. Nghe nhiều sẽ giúp ích rất nhiều cho kỹ năng nói. Đọc nhiều sẽ cải thiện vốn từ vựng, từ đó kỹ năng viết của bạn sẽ dần được cải thiện.
2. Lựa chọn tài liệu học phù hợp với trình độ
Tài liệu học phù hợp với việc học ngoại ngữ cần đáp ứng được các tiêu chí: Dễ hiểu, tạo được sự hứng thú và khó hơn trình độ người học hiện tại ở mức x+1. Lý tưởng nhất là tài liệu mà người học hiểu được 80% nội dung, 20% còn lại chúng ta có thể đoán được ý nghĩa theo ngữ cảnh.
3. Hiểu được tầm quan trọng của Input
Trong quá trình học tiếng Anh, thay vì tập trung vào những kiến thức quá cao siêu, chúng ta nên tiếp thu những nội dung căn bản trước.
Giống như những bậc thang, nếu nóng vội học những phần khó ngay từ đầu, vô hình trung phần nền móng bên dưới sẽ không đủ vững chắc. Trong việc học ngoại ngữ, khi lượng input chưa đủ nhiều, việc luyện nói và viết sớm sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếng Anh sau này của bạn.
Hãy kiên nhẫn và đi từng bước một, chậm mà chắc, bạn sẽ tiến dần lên cao một cách dễ dàng.
Nguồn tham khảo:
Second Language Acquisition and Second Language Learning – Stephen Krashen