Trong bản dịch một cuốn sách, mình bắt gặp địa danh “Shangri-La” trong ngữ cảnh mô tả một vị thuyền trưởng chỉ huy một con tàu vũ trụ đi khám phá các hành tinh:
“Thay vì tìm thấy Shangri-La, ông ấy phát hiện ra những xác chết không rõ nguyên nhân.”
(Câu gốc: Instead of finding Shangri‑La, he finds corpses without a ready explanation for their death.)
Đối với một độc giả thông thường, khi đọc câu này họ sẽ cho rằng Shangri-La là một địa danh có thật nào đó, kiểu như Bhutan hay Nepal, và dựa theo văn cảnh của câu thì ta có thể đoán định được nó phải là một địa danh đặc biệt nào đó để người ta phải đi tìm kiếm.
Tuy nhiên, Shangri-La chỉ là một địa danh hư cấu nằm trên ngọn núi Kunlun, được mô tả trong tiểu thuyết Lost Horizon (bản tiếng Việt: Đường chân trời đã mất) của tác giả James Hilton ra mắt năm 1933. Hilton mô tả Shangri-La là một thung lũng huyền bí, hiền hòa, được bao bọc ở phần cuối phía tây của dãy núi Kunlun. Trong tiểu thuyết, những người sống tại Shangri-La gần như bất tử, sống hàng trăm năm tuổi và già đi rất chậm về ngoại hình.
Từ sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết này mà địa danh Shangri-La trở thành một ẩn dụ cho chốn thiên đường trần gian, tựa hồ như một miền viễn tưởng Himalaya thần thoại – một vùng đất hạnh phúc trường tồn, biệt lập với thế giới.
Theo từ điển Merriam-Webster, từ Shangri-La có hai nghĩa:
- a remote beautiful imaginary place where life approaches perfection (UTOPIA): một nơi chốn tuyệt đẹp ở xa chỉ có trong tưởng tượng, nơi cuộc sống diễn ra hoàn hảo
- a remote usually idyllic hideaway: một nơi ẩn náu ở nơi xa xăm, thường bình dị
Dựa theo nghĩa này, tùy theo văn cảnh chúng ta có thể lựa chọn nghĩa tiếng Việt phù hợp như: thiên đường trần gian, địa đàng trần gian, chốn địa đàng, Niết Bàn, miền đất hứa, vùng đất trong mơ, v.v.
Như câu dịch ở đầu bài, ta có thể biên tập đôi chút để câu rõ nghĩa hơn:
“Thay vì tìm thấy thiên đường trần gian như Shangri-La, ông ấy phát hiện ra những xác chết không rõ nguyên nhân.”
Hoặc:
“Thay vì tìm thấy miền đất hứa, ông ấy phát hiện ra những xác chết không rõ nguyên nhân.”
Chơn Linh