Roman Jacobson phân biệt ba loại dịch:
- Dịch nội ngữ (intralingual translation), tức là giải thuyết ký hiệu lời nói này bằng ký hiệu lời nói khác của cùng một ngôn ngữ.
- Dịch ngoại ngữ (interlingual translation/translation proper), tức là giải thuyết ký hiệu lời nói của ngôn ngữ này bằng ký hiệu của một ngôn ngữ khác.
- Dịch ký sự, hoặc sự chuyển đổi ký tự (intersemiotic translation/transmutation), tức là sự giải thuyết ký hiệu ngôn ngữ thành lời (verbal signs) bằng ký hiệu ngôn ngữ không thành lời (non-verbal sign systms).
Peter Newmark đã định nghĩa:
Dịch là một nghề nghiệp bao hàm hoạt động thay thế một thông điệp bằng chữ và/hoặc một bản tường thuật của ngôn ngữ này bằng một thông điệp và/hoặc bản tường thuật giống như thế của ngôn ngữ khác.
4 khó khăn chính của người dịch:
1. Trừ những tình huống trung tính (neutral situation) hoặc không mang đặc thù quốc gia (non-national ground), VD: nghiên cứu toán học, miêu tả thí nghiệm y học v.v. thì việc dịch bao giờ cũng mất nghĩa (loss of meaning). Nghề dịch huấn luyện người dịch thường phải tùy tình huống, văn cảnh mà chọn lựa hoặc là phiên âm (transcribing) từ/nhóm từ tiếng nước ngoài sang bản ngữ, một kỹ thuật hay được dùng khi:
- dịch tên riêng.
- dịch từng từ vì trong ngôn ngữ nguồn không có khái niệm ấy (translating). VD: enviromental friendly = thân môi trường
- thay thế bằng một đơn vị tương đương có trong nền văn hóa của người dịch (replacement). VD: chở củi về rừng = carry coals to Newcastle
- biến một từ phải dịch thành một từ vay mượn (borrowing). VD: snooker -> môn snúc-cơ, hoặc collect call -> cô-lếch côn.
- dịch theo kiểu định nghĩa. VD: stakeholder = những đối tượng có quan tâm đến và được quan tâm đến của một dự án.
2. Phần lớn các ngôn ngữ đều khác nhau về các hệ thống từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm. 4 bình diện khác biệt: (1) formality – hình thức, (2) feeling of affectivity – cảm xúc tình cảm, (3) generality or abstraction – tính khái quát hoặc trừu tượng, và (4) evaluation – tính phỏng đoán.
3. Cách sử dụng ngôn ngữ của người nói/viết và người dịch không đồng nhất. Thông thường tác giả nào cũng mang màu sắc cá biệt (idosyncracy) trong việc sử dụng từ, và thường hay gắn “ý đồ cá nhân” của mình trong sử dụng từ. Điều này làm cho người dịch rất lúng túng.
4. Người dịch và người nói/viết thường khác nhau về quan điểm ngữ nghĩa cũng như các giá trị ngôn ngữ. Người dịch thường hay làm cho bản dịch của mình “có màu sắc” hơn bản gốc, tức thường phát huy nghĩa sắc thái (connotational meaning) hơn là dùng nghĩa định danh (denotational meaning). Người dịch hay tìm kiếm biểu tượng (symbolism) trong khi người viết lại hiện thực (realism).
Tóm lược từ sách “Hướng dẫn kỹ thuật biên dịch Anh-Việt, Việt-Anh”
Nguyễn Quốc Hùng, M.A