Kiến thức dịch thuật

Tổng quan về dịch viết (Translation)

Pinterest LinkedIn Tumblr

Dịch viết là sự lựa chọn và quyết định của người dịch, tức là nói đến mối quan hệ tư duy (thought), sự lựa chọn nghĩa (meaning) và sự lựa chọn ngôn ngữ (language); ngôn ngữ ở đây được hiểu là lối nói (expression).

1. Ý đồ của tác giả bài viết

Người viết không phải lúc nào cũng bộc lộ ý đồ của mình trên mặt giấy. Như câu sau, con số này không chỉ phục vụ mục đích thống kê (số liệu), mà còn phục vụ mục đích quảng cáo.

During the past year we have already sold 30,000 dolls.

  • (a) Trong năm qua chúng tôi bán được 30.000 con búp bê. (thống kê)
  • (b) Chỉ trong một năm qua chúng tôi đã bán được tới 30.000 con búp bê. (quảng cáo trên cơ sở thống kê)

=> Câu b đã bộc lộ được ý đồ của tác giả, vì người dịch (ND) khéo léo khai thác một số từ đệm mang tính nhấn mạnh.

2. Ý đồ của người dịch

Một tác phẩm dịch được ví như một đứa con lai vì nó là sự sáng tạo kết hợp giữa người viết và ND. ND dù trung thành với tác giả đến mấy thì cũng không thể thoát hoàn toàn khỏi bản thân mình để trở thành tác giả trên mọi bình diện: ngôn ngữ (language), phong cách (style) và nét cá biệt (idiosyncratic features).

Các vấn đề ND phải đối diện:

a. Sự khác biệt về văn hóa

Hai ta như sen mùa hạ, cúc mùa thu
Tháng mười hồng, tháng năm nhãn.

Người Anh không có khái niệm phải chờ đến mùa hạ sen mới nở, mùa thu cúc mới ra hoa, tháng mười hồng mới chín và tháng năm nhãn mới ngọt.

=> ND cần xác định cho mình một hướng đi: hoặc là lựa chọn cách giữ nguyên bản sắc của bản gốc (Source Language – SL), hoặc là chuyển nó theo hương vị của ngôn ngữ mục tiêu (Target Language – TL).

VD: Đừng có trứng khôn hơn vịt.

  • SL: a duck’s egg cannot be wiser than the duck itself.
  • TL: Don’t teach your grandmother how to suck eggs.

b. Sự khác biệt về cấu trúc ngôn ngữ

– Ngoài một số cấu trúc ngẫu nhiên tương đồng giữa tiếng Anh và tiếng Việt như:

Mozart is the musician (whom) I admire.
Mozart là nhạc sĩ (mà) tôi hâm mộ.

The woman I saw in the park was feeding the pigeons.
Người phụ nữ tôi trông thấy trong công viên đang cho chim bồ câu ăn.

Đa số các mẫu còn lại thì khác nhau rất xa. Nhiều mẫu câu không có trong tiếng Việt. VD: It is (adjective) to do something, to have something done, that SVO V (O), v.v.

– Cách dùng nhóm danh từ (noun phrases):

  • Anh: Tôi xin lỗi vì sự trả lời chậm của tôi.
  • Việt: Tôi xin lỗi vì đã trả lời anh chậm/chậm trả lời anh.

– Lỗi văn phong:

  • Anh: We’ll keep them, if you don’t mind.
  • Việt: Chúng tôi giữ nó (những tấm ảnh), nếu anh không phiền.

=> Cấu trúc đề nghị lịch sự này không có trong tiếng Việt.

– ND phải luôn tuân thủ cấu trúc TL, còn SL chỉ là yếu tố tham khảo. Nói cách khác, ND dịch cần hiểu được nội dung thông điệp qua cách thể hiện (cấu trúc) của SL, sau đó diễn đạt lại thông điệp ấy bằng cấu trúc của câu TL.

VD1: We stayed there for two days and I was offered more kindness than I was willing to accept.

  • Văn phong Tây: Chúng tôi ở đó hai ngày và tôi đã được ban tặng nhiều lòng tốt hơn là tôi chờ đợi.
  • Văn phong Việt: Chúng tôi ở đó hai ngày. Người ta đối xử với tôi tử tế hơn là tôi mong đợi.

VD2: When low results are obtained, instruction must be given to improve the quality of the concrete mix.

  • Văn phong Tây: Khi kết quả thấp được đạt tới thì sự chỉ thị phải được ra để tăng cường chất lượng của bê tông.
  • Văn phong Việt: Khi thấy kết quả thấp, cần phải hướng dẫn cách tăng cường chất lượng của bê tông.

c. Sự khác nhau về khái niệm đứng sau từ

Mỗi từ vựng (lexical word) trong một ngôn ngữ đều có một khái niệm đứng sau nó. Khái niệm này giữa tiếng Anh và tiếng Việt rất khác nhau. VD: tiếng Việt là “làng quê” và tiếng Anh là “village”, nhưng làng quê của hai bên không giống nhau. Hay “pub” với người Anh là một hình ảnh thân thương, trìu mến, khi đi xa họ hay nhớ về, nhưng với người Việt là một nơi ồn ào, tiêu cực. 

=> Sự khác nhau không rơi vào nghĩa định danh (denotational meaning) mà vào nghĩa sắc thái (connotational meaning).

3. Độc giả

Khi dịch ND thường tự hỏi: Mình dịch cho ai đọc? Tầng lớp, trình độ văn hóa, giới tính và tuổi tác của độc giả? Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng quyết định tới lối diễn đạt, cách thể hiện tình cảm, mức độ sử dụng ngôn ngữ.

Có nhiều văn bản tự thân nó đã xác định đối tượng đọc. VD: các bài phát biểu của một hội nghị chuyên đề.

Ngược lại, một số văn bản không chỉ phục vụ giới chuyên môn, nghiên cứu mà đối tượng là đông đảo công chúng nên từ ngữ sử dụng phải mang tính phổ quát hơn.

4. Chất lượng của văn bản gốc

ND đôi khi gặp phải một bản gốc chất lượng tồi – đọc khó hiểu, thiếu chấm phẩy hoặc chấm phẩy không đúng quy cách.

Cách xử lý:

  • Tìm hiểu thông điệp và giá trị giao tiếp của nó.
  • Biên tập lại bài viết, tổ chức lại thông tin: thay thế những câu viết vụng, đơn giản hóa những câu khó hiểu, bỏ bớt những ý lặp đi lặp lại không cần thiết, nêu bật những điểm cần nhấn mạnh, giảm bớt cách nói bóng gió, phát hiện và làm rõ những cách diễn đạt mơ hồ dễ gây hiểu lầm cho người đọc. => dịch 2 lần: dịch nội ngữ (intra-lingual) & dịch ngoại ngữ (inter-lingual).

– VD:

  • If industrialists are so keen for Britain to join why does not the Government make it possible for those who want to get into Europe without  the sacrifice to Birtish sovereignty…”
  • Biên tập: As industrialists are so keen, why does not the Government make it possible for Britain to get into Europe without sacrificing her sovereignty…”

5. Tránh dịch từng từ

Tránh thói quen dịch từng từ vì tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau rất xa, văn hóa Việt và văn hóa Anh cũng thuộc hai phương trời cách biệt.

Tóm lược từ sách “Hướng dẫn kỹ thuật biên dịch Anh-Việt, Việt-Anh”
Nguyễn Quốc Hùng, M.A

(Số lượt đọc: 71 lần, 1 lượt đọc hôm nay)

Tự học Anh ngữ là một dự án chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm học tiếng Anh miễn phí dành cho những ai muốn tự học tiếng Anh tại nhà.

Bình luận